Xuất khẩu… cùi bắp

Thứ ba, 16/02/2016 06:01

(AGO) - Những năm gần đây, cùi bắp được một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc thu mua khá mạnh để sản xuất nấm và phục vụ chăn nuôi. Nếu như trước đây, nông dân huyện đầu nguồn An Phú coi cùi bắp là phế phẩm bỏ đi thì hiện nay, nó lại là nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân sau khi thu hoạch bắp.

 

Bắp lai là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện An Phú. Diện tích trồng bắp lai hàng năm khoảng 3.000 héc-ta, năng suất bình quân 9,5 tấn/ héc-ta. Bắp lai được trồng ở nhiều nơi nhưng tập trung chủ yếu tại các xã: Khánh An, Khánh Bình, Phú Hữu, Quốc Thái, Nhơn Hội, thị trấn Long Bình... Trước đây, sau khi thu hoạch, bắp được tách lấy hạt phơi khô rồi bán, một phần cùi bắp được sử dụng làm củi nấu, nhưng đa số là bỏ đi, gây ô nhiễm mỗi trường. Ước tính mỗi công, phần cùi bắp bỏ đi khoảng 200kg.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc có nhu cầu thu mua cùi bắp làm thức ăn chăn nuôi và trồng nấm với số lượng rất lớn. Ngoài ra, một phần do thị trường các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc tăng giá, các doanh nghiệp nước ngoài chuyển sang thị trường Việt Nam nên cùi bắp từ phế phẩm đã trở thành sản phẩm hút hàng. Đây cũng là cơ hội để nông dân tìm hướng đi mới cho mình.

Nhận thấy được tiềm năng to lớn từ cùi bắp, ông Trần Công Nẻo (thị trấn An Phú, huyện An Phú) đã nắm bắt cơ hội này và là người tiên phong đưa phế phẩm từ cây bắp ra nước ngoài. Hiện tại, Công ty của ông Nẻo là địa điểm thu mua cùi bắp chính của nông dân huyện An Phú. [...]

“Thông thường, sau khi thu hoạch bắp, nông dân thường tách hạt rồi bỏ cùi tại ruộng. Phần cùi này được đốt đi hay tập trung lại một chỗ nhưng không được xử lý nên lâu ngày dẫn đến ô nhiễm môi trường. Sau khi tìm hiểu thị trường, với kinh nghiệm trong việc chế tạo, sửa chữa máy, tôi đã chế ra dây chuyền xay nhuyễn và ép thành khối cùi bắp” – ông Nẻo cho biết thêm. Tại công ty của ông Nẻo, cùi bắp sau khi mua về được sấy khô, sau đó được xay nhuyễn, rồi ép thành khối có kích thước 70x40x20cm theo một dây chuyền tự động khép kín, với khối lượng ước khoảng 30 kg/khối. Ước tính mỗi năm, Công ty sản xuất 400 – 500 tấn cùi bắp thành phẩm, sản phẩn được tiêu thụ ở thị trường Cần Thơ và xuất khẩu sang thị trường Nhật, Hàn Quốc với giá từ 2 - 2,5 triệu đồng/tấn.  

Hiện nay, phần lớn nông dân An Phú chỉ canh tác một vụ bắp, thời điểm xuống giống từ tháng 7 - 10 âm lịch nên vào thời gian này, Công ty đẩy mạnh sản xuất. Thời gian còn lại, công ty chỉ hoạt động cầm chừng vì nguồn nguyên liệu không đủ. Ông Nẻo cho biết: “Để có đủ nguyên liệu, chúng tôi phải đi mua cùi bắp từ những nông dân ở một số địa phương khác như Tân Châu, Trà Vinh… có khi sang Campuchia để mua hàng về. Nhìn chung, đầu ra của loại sản phẩm này ổn định và rất hút hàng. Làm ra bao nhiêu, khách hàng thu gom hết bấy nhiêu, không có tình trạng ế hàng”.

Với việc thành lập công ty thu mua cùi bắp cho nông dân, ông Nẻo không những góp phần tăng thêm thu nhập của nông dân trồng bắp, mà còn giảm ô nhiễm môi trường từ việc vứt bỏ cùi bắp và tạo việc làm cho khoảng 13 lao động, với thu nhập bình quân mỗi người từ 3,5 - 4 triệu đồng/ người/tháng.

Bài, ảnh: ĐỨC TOÀN