Sản xuất bia hiện đang được xem là ngành công nghiệp phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới. Lượng bia làm ra ngày càng tăng, đem lại lợi nhuận khổng lồ. Theo đó, bã bia – phế phẩm của quá trình sản xuất bia cũng tăng đáng kể. Việc tái sử dụng nguồn nguyên liệu này là một nhu cầu tiết kiệm cần thiết nhằm chiết xuất lấy những chất hữu ích, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
NGUỒN DINH DƯỠNG PHONG PHÚ
Bã bia là sản phẩm tách ra sau khi lên men bia. Phần nước được sử dụng làm bia. Phần bã tươi còn chứa các chất dinh dưỡng, các chất men và xác vi sinh vật. Trong bã bia có rất nhiều nguồn dinh dưỡng như protein, carbohydrate, khoảng hơn 20 axit amin (lysin, valine, cystine, tyrosine, glycine…), các vitamin (nhất là các vitamin nhóm B), và một số khoáng chất…Việc chiết xuất các chất có lợi từ bã bia để bổ sung cho thực phẩm chức năng là một đóng góp có giá trị cho đời sống xã hội và sản xuất nông nghiệp. Ý nghĩa hơn nữa là việc này tận dụng được nguồn nguyên liệu khá dồi dào trong các nhà máy bia.
Đối với chăn nuôi đại gia súc, bã bia tươi là loại thức ăn nhiều nước, có mùi thơm và vị ngon. Không những là loại thức ăn bổ sung đạm mà thành phần xơ trong bã bia rất dễ tiêu hóa, nó có tác dụng kích thích vi sinh vật phân giải xơ trong dạ cỏ của bò. Vì thể bã bia khi kết hợp với lượng thức ăn tinh một cách hợp lý sẽ là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho bò. Đặc biệt, bã bia còn chứa các sản phẩm lên men có tác dụng kích thích tính ngon miệng và kích thích tiết sữa, thích hợp với việc chăn nuôi bò sữa.
Ở nước ta hiện nay nguyên liệu sản xuất thức ăn nuôi tôm như bột cá, bột xương thịt, vitamin, chất khoáng; chế phẩm bổ sung thức ăn cho tôm… hầu hết đều phải nhập khẩu. Vì vậy, việc tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước này thiết thực thay thế cho việc nhập khẩu, tiết kiệm được phần chi phí đáng kể, qua đó góp phần vào sự phát triển nghề nuôi thủy sản tại Việt Nam.
Trong chăn nuôi các loại gia cầm như gà, ngan, vịt… khi được ăn thực phẩm chứa Beta – glucan có trong bã bia, vật nuôi sẽ lớn nhanh, ít bệnh và chất lượng thịt tốt hơn khi nuôi thông thường.. Nhờ đó, việc chăn nuôi cho năng suất cao và mang lại lợi ích kinh tế.
Đặc biệt bã bia có vai trò lớn trong việc chế biến thực phẩm chức năng cho người. Bã bia qua quá trình tách chiết, thủy phân đã thu hồi beta – glucan có tác dụng tăng cường miễn dịch, kháng khối u, kháng tế bào ung thư. Quá trình thủy phân dịch tế bào khiến protein trở thành axit amin, giúp cơ thể tăng cường sinh lực, tăng quá trình trao đổi chất, tạo tế bào mới. Tại Việt Nam, sản phẩm ImunoFood do Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Bulgaria nghiên cứu thành công đã được Cục vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho phép sản xuất, lưu hành tại rộng rãi.
GIẢI PHÁP VỀ NHIÊN LIỆU
Trên thế giới, bên cạnh việc tận dụng bã bia trong chăn nuôi và y tế thì nguồn nguyên liệu này còn có các ứng dụng vượt trội – dùng làm nhiên liệu xăng và điện.
DB Export, một nhà máy bia tại New Zealand tuyên bố đã chế tạo thành công xăng sinh học mang tên “Brewtroleum” bằng cách tận dụng bã bia. Theo đó, họ đã tìm được cách tái chế để biến bã bia thành cồn ethanol và sẽ được trộn cùng với các loại nhiên liệu xăng thông thường. Đây là loại xăng sinh học E10 chứa 10% ethanol và 90% xăng gốc không phụ gia.
Tuy lượng ethanol chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng lần đầu tiên trong lịch sử, một sản phẩm nhiên liệu thương mại có thành phần bắt nguồn từ quá trình sản xuất bia, đã tận dụng được lượng bã bia khổng lồ mà các nhà máy bia đang bỏ phí. E10 là loại xăng sinh học được cho là thân thiện với môi trường và có thể thay thế nhiên liệu xăng tinh khiết.
Alaskan Brewing là một công ty sản xuất bia tại Mỹ. Giống như mọi công ty bia khác, xử lý bã bia luôn là vấn đề quan trọng đối với Alaskan Brewing. Ở hầu hết những công ty sản xuất bia, bã bia trở thành thức ăn cho gia súc trong các nông trại. Điều này đòi hỏi phải mất một khoản chi phí lớn cho vận chuyển và sấy khô bã bia. Vì thế, Alaskan Brewing bắt đầu tìm kiếm giải pháp tận dụng bã bia để sản xuất điện.
Họ thiết kế một hệ thống lò đun sôi độc đáo dùng để đốt bã bia. Lò đun sôi đã giúp công ty tiết kiệm tới 70% chi phí điện mỗi năm, mở ra một giải pháp hữu hiệu cho các công ty bia khác trong tương lai.
GIÚP TÁI TẠO XƯƠNG
Theo kết quả nghiên cứu từ Trung tâm Công nghệ Vật liệu sinh học hợp tác với công ty Mahou và Createch tại Tây Ban Nha, đã phát triển vật liệu có tính tương hợp sinh học. Vật liệu này được sử dụng như chất hỗ trợ tái tạo xương từ chất thải ngành công nghiệp sản xuất bia. Vật liệu mới này có thể được coi như sự thay thế bộ phận giả được làm từ xương cừu hoặc vật liệu tổng hợp đắt đỏ, gây nguy hại cho môi trường. Chất thải từ quá trình sản xuất bia có chứa các thành phần hóa học chính được tìm thấy trong xương như phốt pho, canxi, magie và silica. Sau khi trải qua quá trình biến đổi, chất thải này có thể được sử dụng như công cụ hỗ trợ hoặc khung định hình nhằm thúc đẩy tái tạo xương trong ứng dụng y tế bằng cách, tráng qua một lớp xương giả hoặc ghép xương.